Y tế học đường

Nâng cao chất lượng công tác khám, quản lý sức khỏe học sinh
Ngày đăng 09/12/2023 | 21:12  | Lượt xem: 313

Ở lứa tuổi học sinh, các em có thể gặp các bệnh học đường như mắt, răng, vẹo cột sống, rối loạn về ngôn ngữ, nhận thức... vì vậy rất cần được chú ý trong khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Trong năm học 2023-2024, hệ thống trường học các cấp trên địa bàn thành phố đã tích cực triển khai hoạt động này để đảm bảo học sinh được khám và theo dõi sức khỏe một cách chủ động.

Cô giáo Đỗ Thị Minh Hiền, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường có hơn 900 học sinh, 100% các em được cán bộ y tế của Trung tâm Y tế thị xã Sơn Tây khám sức khỏe định kỳ từ đầu học kỳ I. Kết quả khám có 131 (14,3%) học sinh bị cận thị; 319 (34%) học sinh mắc bệnh về răng, chủ yếu là sâu răng; 52 (5,7%) học sinh bị viêm mũi hong; 5 học sinh cần theo dõi sức khỏe do bị dị tật chân, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý. Bằng cách phát hiện sớm, tăng cường phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh, các em được chăm sóc sức khỏe để đảm bảo các điều kiện học tập và phát triển.

Giờ ăn bán trú của học sinh trường mầm non của thị xã Sơn Tây.

Theo báo cáo công tác y tế trường học của thị xã Sơn Tây, qua công tác khám sức khỏe định kỳ cho 37.087 học sinh của 53/53 trường học trên địa bàn thị xã, kết quả tỷ lệ mắc sâu răng của học sinh là gần 28% và cận thị là 16,6%. Do tỷ lệ trẻ bị sâu răng còn cao, UBND thị xã Sơn Tây đã yêu cầu thực hiện cho học sinh khối tiểu học xúc miệng hàng tuần bằng dung dịch NaF 0,2%, có đầy đủ dụng cụ cho học sinh xúc miệng. Việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe và cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe răng miệng, chăm sóc mắt ở học sinh cho bố mẹ và giáo viên là đặc biệt quan trọng để nhà trường và gia đình có thái độ chăm sóc tốt, hỗ trợ trẻ trong quá trình phòng ngừa và phát hiện bệnh kịp thời. UBND thị xã cũng yêu cầu Phòng Giáo dục- Đào tạo thị xã chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp chặt chẽ với các trạm y tế trên địa bàn để tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng chống các dịch, bệnh, tật trong trường học.

Cũng như thị xã Sơn Tây, hoạt động khám sức khỏe học sinh được UBND quận Bắc Từ Liêm quan tâm chỉ đạo ngay từ đầu năm học. Trên cơ sở đó, Trung tâm Y tế quận phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai khám sức khỏe định kỳ cho 100% học sinh của các nhà trường. Quận Bắc Từ Liêm tiếp tục duy trì các mô hình điểm tại 6 trường: sơ cấp cứu tại trường THCS Cổ Nhuế 2; nha học đường tại trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu và Tiểu học Phúc Diễn; mắt học đường tại trường THCS Liên Mạc; nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể tại trường Tiểu học Xuân Đỉnh, Tiểu học Đông Ngạc A.

Trong công tác tuyên truyền, Trung tâm Y tế quận đã phối hợp với các trường học tổ chức các buổi truyền thông tại trường học cho học sinh về phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh tật học đường, an toàn thực phẩm, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tâm thần, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống HIV/AIDS,... Nhờ triển khai đồng bộ, hoạt động y tế trong các trường học đã đi vào nề nếp, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của học sinh.

Hoạt động khám sàng lọc khiếm thính cho trẻ em tại Trường mầm non xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ.

Mặc dù chất lượng công tác khám, quản lý sức khỏe học sinh trong suốt thời gian qua đã được nâng cao vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong môi trường học đường, học sinh thường gặp phải nhiều bệnh tật như cận thị, viễn thị, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, bệnh truyền nhiễm, ốm đau, tai nạn thương tích đột xuất, dinh dưỡng không hợp lý...

Bên cạnh đó, công tác khám, quản lý sức khỏe cho học sinh không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu, mà còn là tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe; triển khai các chương trình phòng, chống dịch bệnh cho học sinh trong trường; xây dựng khung dinh dưỡng hợp lý, góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần cho học sinh. Chính vì vậy cần có sự đầu tư đồng bộ, bài bản cùng sự chung tay của các cấp, các ngành.

Ngoài ra, một số trường chưa có cán bộ y tế chuyên trách, trình độ chuyên môn của nhân viên y tế chủ yếu là điều dưỡng trung học do vậy gặp nhiều khó khăn trong triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Năm học 2023-2024, nội dung của chương trình sức khỏe học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội đặt ra đối với công tác chăm sóc và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học là 100% trường học đảm bảo các điều kiện thực hiện công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định; 100% trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học (khuyến khích các nhà trường kiểm tra sức khỏe học sinh 2 lần/năm học); 100% trường học thực hiện đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh.

Đối với hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, thành phố yêu cầu 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường; bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn. 100% học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn sức khỏe về tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi. 100% cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế trường học được tập huấn về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học.

Nhã Khanh

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 236
Lượt truy cập trong tuần: 2222
Lượt truy cập trong tháng: 194892
Lượt truy cập trong năm: 3068006
Tổng số lượt truy cập: 47135394
Về đầu trang