DÂN SỐ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Hà Nội chú trọng chất lượng dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Ngày đăng 06/02/2024 | 15:49  | Lượt xem: 124

Thời gian qua, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn thành phố được tập trung đẩy mạnh, triển khai sâu rộng, thường xuyên ở các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể và tại cộng đồng.

Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu rõ “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đảm bảo phát triển nhanh, bền vững”.

Quận Long Biên hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam 26/12.

Công tác truyền thông DS-KHHGĐ đã chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, thực hành của các nhóm đối tượng trong việc thực hiện hành vi có lợi về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình góp phần nâng cao chất lượng dân số, phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, điều chỉnh tốc độ tăng dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với tình trạng già hóa dân số.

Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân cho biết, trong những năm qua, chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể của quận luôn quan tâm chỉ đạo sát sao đối với công tác dân số và phát triển, góp phần nâng cao chất lượng dân số Thủ đô nói chung và quận Thanh Xuân nói riêng. Trong năm 2023, 100% chỉ tiêu công tác dân số và phát triển của quận đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao như: tỷ suất sinh thô so với năm trước giảm 0,76 %o; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 0,13%; tỷ số giới tính khi sinh là 104,1 trẻ trai/100 trẻ gái, trong mức cân bằng tự nhiên. Các hoạt động, mô hình truyền thông nâng cao chất lượng dân số được đầu tư và triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả; chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân được nâng cao.

Còn tại quận Long Biên, ông Nguyễn Khắc Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Long Biên cho biết, tính đến nay, dân số của quận là hơn 355.000 người, tổng số sinh năm 2023 là 4.480 trẻ, giảm 173 trẻ so với năm 2022; số trẻ là con thứ 3 là 105 trẻ, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang ở mức 2,34%, giảm 0,09% so với kết quả thực hiện năm 2022; sàng lọc trước sinh cho hơn 4.700 bà mẹ mang thai, đạt tỷ lệ 89,5%; tư vấn và sàng lọc sơ sinh cho gần 4.200 trẻ, đạt tỷ lệ 93,2%. Tỷ số giới tính khi sinh là 109 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 85,8%; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 62,2%.

Tổ chức hội nghị chuyên đề nâng cao sức khỏe người cao tuổi.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác dân số và phát triển quận Hai Bà Trưng, tính đến hết tháng 11/2023, số sinh trên địa bàn quận là 2.461 trẻ (tăng 112 trẻ so với cùng kỳ năm trước); ước tính, số sinh cả năm 2023 là 2.852 trẻ. Tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn quận năm 2023 là 105 trẻ trai/100 trẻ gái. Bên cạnh đó, số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 1.602 bà mẹ/1.809 bà mẹ mang thai (đạt 88,5% và hoàn thành 102% kế hoạch năm); số trẻ được sàng lọc sơ sinh là 1.145 trẻ/1.265 trẻ (đạt 90,5% số trẻ sinh và hoàn thành 101% kế hoạch năm). Tỷ lệ nam, nữ được khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 80% (hoàn thành 100% kế hoạch năm).

Song song với đó, Hà Nội thường xuyên tổ chức chiến dịch truyền thông nhân các sự kiện như: Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia (8-5); truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7; Ngày tránh thai thế giới 26-9; Ngày Quốc tế Người cao tuổi 01-10 và Ngày quốc tế trẻ em gái 11-10; tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm 2023. Phối hợp với các báo, đài, cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng chuyên trang, chuyên mục về dân số và phát triển, xây dựng pano, áp phích, băng rôn, tờ rơi… về công tác dân số để tuyên truyền cho người dân.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội Vũ Duy Hưng cho biết, việc triển khai thực hiện công tác dân số vẫn còn tồn tại vướng mắc, khó khăn như quy mô dân số đông, địa bàn rộng, đặc biệt có sự chênh lệch khá lớn tình hình thực hiện các chỉ tiêu công tác dân số giữa 12 quận và 18 huyện/thị xã. Bên cạnh đó, tốc độ gia tặng dân số nhất là gia tăng dân số cơ học tiếp tục tăng mạnh ở khu vực các quận, công tác quản lý dân cư và đảm bảo các nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình triển khai các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn ở quận, huyện, thị xã còn nhiều vướng mắc do chưa có quy định về danh mục kỹ thuật khám sức khỏe trước khi kết hôn, số lượng thanh niên tham gia khám sức khỏe còn thấp. Việc huy động đối tượng là nam giới, công nhân khu công nghiệp tham gia các buổi truyền thông trực tiếp chưa đạt hiệu quả cao.

Truyền thông kiến thức phát triển thể lực tầm vóc cho các em học sinh.

Để tiếp tục làm tốt công tác dân số, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đề nghị chính quyền các cấp, các địa phương tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo đối với công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn. Nâng cao nhận thức của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và cộng đồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Lồng ghép các nội dung truyền thông về dân số phù hợp với đặc thù của từng ban, ngành, đoàn thể góp phần tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách dân số.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang Dân số và phát triển.

Đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp, nội dung truyền thông, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số ngay từ cơ sở. Đặc biệt, tuyên truyền về những quy định của Đảng, Nhà nước và thành phố về dân số; kiến thức về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe gia đình, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, người cao tuổi.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, các đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, kế hoạch quan trọng của thành phố như: Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh đến năm 2030; Kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đến năm 2025; Kế hoạch “Phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030”; Kế hoạch thực hiện “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025” trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra ở các cấp đảm bảo thực hiện chính sách dân số ở địa bàn các quận, huyện, thị xã, đặc biệt đối với các xã, phường, thị trấn có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao. Tăng cường thanh tra các cơ sở y tế ngoài công lập về không chọn giới tính thai nhi theo quy định của pháp luật.

Duy Tuân

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 136
Lượt truy cập trong tuần: 22844
Lượt truy cập trong tháng: 108468
Lượt truy cập trong năm: 795116
Tổng số lượt truy cập: 44862504
Về đầu trang