TIN TỨC - SỰ KIỆN NỔI BẬT

Cải thiện và nâng cao tất cả các tiêu chí đánh giá chỉ số SIPAS
Ngày đăng 11/07/2023 | 09:46  | Lượt xem: 400

Chiều ngày 8/7, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã làm việc với Sở Y tế Hà Nội về quy hoạch màng lưới y tế trong quy hoạch thủ đô và giải pháp nâng cao chỉ số SIPAS của Sở Y tế Hà Nội. Ông Lê Ngọc Anh, viện trưởng và TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đồng chủ trì hội nghị.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội là đơn vị chủ trì triển khai kế hoạch 121/KH-UBND ngày 14/4/2023 của UBND thành phố về đo lường, nghiên cứu và phân tích Chỉ số Hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các Sở, cơ quan tương đương Sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố năm 2023 và cũng là đơn vị lập quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế

Về quy hoạch màng lưới y tế, ngành y tế Hà Nội có 79 đơn vị (2 chi cục, 42 bệnh viện, 30 TTYT và 5 trung tâm chuyên khoa). Về hệ thống y tế ngoài công lập có 12.028 cơ sở hành nghề y, 7970 cơ sở hành nghề dược. Các cơ sở y tế thuộc trung ương có 32 đơn vị ( 16 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 16 Viện nghiên cứu và thực nghiệm y dược) với khoảng 10.420 giường bệnh. Các cơ sở y tế của bộ, ngành gồm 09 bệnh viện và trung tâm khám chữa bệnh và 15 bệnh viện/viện thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, tổng số 5680 giường bệnh.

Với quan điểm quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế đảm bảo mọi người dân được theo dõi sức khỏe, tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ y tế chất lượng; cung ứng dịch vụ toàn diện; kết nối hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế của thành phố và quốc gia, cơ sở y tế khu vực và quốc tế; đảm bảo tính kế thừa và phát triển của mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn thành phố… Ngành y tế đã định hướng quy hoạch theo lĩnh vực, đó là lĩnh vực khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; lĩnh vực giám định y khoa, giám định pháp y; lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng; lĩnh vực kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; lĩnh vực dân số - KHHGĐ.

Đồng thời, định hướng sắp xếp, phân bổ quy hoạch không gian của mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đó là xây dựng khu phức hợp y tế khu vực phía Bắc tại Hà Nội; 02 bệnh viện tuyến trung ương ngang tầm quốc tế; 17 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương trở thành các bệnh viện liên vùng quốc gia; 02 viện chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và y tế công cộng cấp quốc gia…và xây dựng mới Khu công nghiệp dược và trang thiết bị y tế công nghệ cao khu vực phía Bắc tại Hà Nội.

Tăng chỉ số hài lòng của người dân

Về kết quả đo lường chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) đối với sự phục vụ của Sở Y tế ở 5 tiêu chí là tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; cán bộ, công chức giải quyết; kết quả giải quyết; kết quả giải quyết góp ý. Kể từ năm 2019 đến năm 2022, có 3 năm (2019, 2020, 2022) Sở Y tế giữ hạng 13-14/22 sở , ngành; riêng năm 2021 đứng thứ 4/22. Chỉ số SIPAS trong lĩnh vực y tế công gồm các tiêu chí tiếp cận dịch vụ; thủ tục khám và điều trị; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ; thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế; kết quả cung cấp dịch vụ. Chỉ số này trong năm 2020 đạt 84,78 điểm, tăng 17,63 điểm so với năm 2019 (67,15).

Ghi nhận những nỗ lực của ngành y tế Hà Nội trong công tác xây dựng quy hoạch kịp thời, chi tiết làm cơ sở cho Viện tổng hợp và xây dựng quy hoạch của thủ đô. Riêng về lĩnh vực cải cách hành chính, đồng chí Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đề nghị Sở Y tế cần đơn giản hóa thủ tục hành chính; liên tục kiểm tra bộ phận một cửa, tăng cường kiểm tra công vụ để nâng cao tinh thần trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức. Tăng cường tự đánh giá sự hài lòng của người dân tại bộ phận một cửa và công khai số điện thoại của các đồng chí lãnh đạo để kịp thời tiếp nhận, giải quyết phản ánh, khiếu nại của người dân.

Tiếp thu những ý kiến góp ý của lãnh đạo Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, TS Trần Thị Nhị Hà chỉ đạo các bộ phận liên quan cần kiểm tra, giám sát thường xuyên tại bộ phận một cửa Sở Y tế và của các đơn vị, chỉ rõ những lý do dẫn đến chậm muộn giải quyết hồ sơ cũng như kiến nghị của người dân. Bên cạnh việc giám sát nội bộ thì lãnh đạo Sở Y tế sẽ giám sát qua camera hoạt động của bộ phận một cửa tại Sở Y tế.

TS Trần Thị Nhị Hà cũng cho rằng, đối với ngành y tế, người dân càng yêu cầu cao đối với chất lượng dịch vụ y tế, vì vậy, cần phải cải thiện và nâng cao tất cả các tiêu chí đánh giá chỉ số SIPAS.

PV

 

PHẦN MỀM TÁC NGHIỆP

  Dịch vụ công trực tuyến

  Phần mềm Quản lý văn bản

  Phần mềm QLHS Một cửa 

  Phần mềm Một cửa (Mới)

  Tiếp nhận ý kiến công dân 

  Danh mục TTHC công 

  Tra cứu hồ sơ Một cửa 

  Thư điện tử TP Hà Nội 

  Thông tin người phát ngôn

Thống kê truy cập

Đang online: 360
Lượt truy cập trong tuần: 1392
Lượt truy cập trong tháng: 194062
Lượt truy cập trong năm: 3067176
Tổng số lượt truy cập: 47134564
Về đầu trang