Điểm báo
* Nâng cao kiến thức kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường
Sáng 16/9, UBND huyện Hoài Đức tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm chuyên đề “Kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học”.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) huyện Hoài Đức thông tin, Hoài Đức là địa bàn trọng điểm về sản xuất, cung cấp thực phẩm cho người dân trên địa bàn huyện và các quận, huyện. Các đơn vị cung ứng thực phẩm cho hệ thống trường học trên địa bàn huyện cũng thuộc nhiều quận, huyện của TP Hà Nội; vì vậy công tác kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn vẫn còn hạn chế…
Từ thực trạng trên, việc tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm chuyên đề “Kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học” nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo đảm an ninh, ATTP trong và xung quanh cổng trường học. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về vấn đề này. Kiểm soát ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu được truyền đạt kiến thức về ATTP, về vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong công tác quản lý ATTP trong và xung quanh cổng trường học. Luật ATTP, các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ ngành Trung ương, Thành ủy, UBND TP Hà Nội về quản lý lĩnh vực ATTP.
Tuyên truyền về các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm và công tác kiểm tra về ATTP trong và xung quanh cổng trường học. Công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm hành chính về ATTP, nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật. Các quy định về điều kiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
https://kinhtedothi.vn/nang-cao-kien-thuc-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-trong-va-xung-quanh-cong-truong.html
* Từ 1/10 thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú các bệnh mạn tính kéo dài tối đa 90 ngày
Việc thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú các bệnh mạn tính kéo dài tối đa 90 ngày được giao thẩm quyền cho người đứng đầu các bệnh viện. Cụ thể thời gian như thế nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh và các yếu tố khác...
Tại trụ sở Bộ Y tế vừa diễn ra cuộc họp về công tác kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính. GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của các chuyên gia đến từ các bệnh viện, BHXH Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới...
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến hoạt động kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính. Đa phần đều đồng tình với việc kéo dài thời gian kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính như dự thảo của Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.
Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến như kê đơn dài hơn 30 ngày đối với một số bệnh điều trị dài ngày cần có đánh giá cụ thể về vấn đề kiểm soát điều trị, những biến chứng có thể xảy ra, những tác động của việc điều chỉnh đối với các bệnh nhân bị bệnh mạn tính, với một số bệnh đặc thù không thể kê đơn thuốc quá 30 ngày, sẽ có hướng xử lý như thế nào?
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đồng ý về mặt chủ trương thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú các bệnh mạn tính kéo dài tối đa 90 ngày và giao thẩm quyền cho người đứng đầu các bệnh viện. Cụ thể thời gian như thế nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh và các yếu tố khác. Tuy nhiên, cần phải dựa vào đánh giá cụ thể của bác sĩ điều trị.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cần có đề xuất cụ thể, lựa chọn các bệnh viện phù hợp đưa vào thí điểm để dựa vào đó các Giám đốc bệnh viện sẽ ban hành danh mục thí điểm cho từng đơn vị. Thời gian thí điểm là 6 tháng bắt đầu từ ngày 01/10/2024 đến hết tháng 3/2025.
Sau đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ đánh giá, tổng kết, đề xuất và sẽ chính thức đưa vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú (theo Quyết định số 2497/QĐ-BYT ngày 22/8/2024) một cách phù hợp.
Trong khi chờ thí điểm, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư, xin ý kiến các đơn vị về dự thảo Thông tư.
Sau khi có đủ thông tin góp ý, sẽ triển khai các hội nghị, hội thảo hoàn thiện Thông tư, đánh giá hiệu quả hoạt động thí điểm kéo dài thời gian kê đơn thuốc ngoại trú các loại bệnh mạn tính, đặc biệt lưu ý tới hiệu quả của hoạt động điều trị với các mặt bệnh đặc thù (lao, HIV…) với sự phối hợp của giám đốc các bệnh viện
Báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tại cuộc họp cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về việc giải quyết Công văn số 1748/BHXH-CSYT ngày 11/6/2024 của BHXH Việt Nam đề xuất điều chỉnh thời gian kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính;
Công văn số 2685/SYT-QLBHYTCNTT ngày 18/6 của Sở Y tế TP Hà Nội đề nghị triển khai thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú 02 tháng đối với một số bệnh mạn tính tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, ngày 20/6/2024, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức cuộc họp xin ý kiến các cơ quan, đơn vị, hội y khoa liên quan đối với đề nghị của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và của Sở Y tế TP Hà Nội.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có công văn số 1197/KCB-NV ngày 23/7 đánh giá thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.
Hiện tại, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đang triển khai tổng hợp ý kiến của các đơn vị để xây dựng báo cáo thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT.
Tính đến ngày 16/8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được báo cáo đánh giá thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT của 1.288 đơn vị, bao gồm: 19 Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 37/63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 1.037 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế (gồm bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế, trạm y tế xã), 19 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bộ/ngành, 176 cơ sở tư nhân.
Đa số đơn vị báo cáo triển khai thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT theo quy định nhưng trong quá trình triển khai có một số vướng mắc đề xuất cần điều chỉnh.
Tổng hợp ý kiến có tới 1.191/1288 đơn vị tham gia góp ý đồng ý giữ nguyên nội dung quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT. Một số nội dung đề xuất điều chỉnh chủ yếu: Điều chỉnh thời gian kê đơn thuốc ngoại trú tối đa đối với một số bệnh mạn tính; cập nhật quy định về phân cấp chuyên môn kỹ thuật theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; một số vướng mắc liên quan đến triển khai kê đơn thuốc điện tử; nội dung về in và lưu trữ đơn thuốc khi ứng dụng kê đơn thuốc điện tử.
Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và Hội đồng tư vấn xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú (theo Quyết định số 2497/QĐ-BYT ngày 22/8/2024).
https://suckhoedoisong.vn/tu-1-10-thi-diem-ke-don-thuoc-ngoai-tru-cac-benh-man-tinh-keo-dai-toi-da-90-ngay-169240916055816578.htm
VĂN BẢN MỚI
- Hướng dẫn về việc bổ sung về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2024
- Giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh thuốc trong dịp Tết Nguyên đán 2022
- Đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- 4289/QĐ-SYT Quyết định về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội
- 10722/BYT-DP Về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại
- Công văn 10696/BYT-MT về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
- Công văn 10688/BYT-MT của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh
- Sử dụng kết quả xét nghiệm để phát hiện người mắc Covid-19 và cho người bệnh ra viện
- Quyết định 696/QĐ-SYT của Bộ Y tế ban hành Sổ tay thực hành tại cơ sở bán lẻ thuốc